Trong lễ trao giải WeChoice Awards tối 12.1, Trấn Thành tham dự với vai trò nghệ sĩ khách mời công bố giải thưởng.
Trấn Thành tại WeChoice Awards. Ảnh: BTC
Nam MC nói về việc các khách mời mặc trang phục áo dài đến dự: "Lần đầu ở lễ trao giải chúng ta hãnh diện khi mặc quốc phục dự sự kiện. Nhìn kỹ quốc phục chúng ta rất thời trang, mọi người nhìn nhau mặc gì, có đẹp không, đó là điều tôi hãnh diện vô cùng".
Trấn Thành tại WeChoice Awards. Ảnh: BTC
Câu nói của Trấn Thành ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, nhận nhiều ý kiến tranh cãi.
Câu chuyện đề xuất áo dài làm lễ phục, quốc phục vẫn nhận ý kiến trái chiều nhiều năm qua. Do đó, việc Trấn Thành gọi tên áo dài là quốc phục là không chính xác.
Khán giả cho rằng Trấn Thành chia sẻ thông tin chưa chính xác là thiếu tìm hiểu, không tôn trọng khán giả, vì Việt Nam chưa có quốc phục chính thức, trong khi các thiết kế của khách mời có cả các thiết kế cách tân, mang phong cách hiện đại.
Trấn Thành và Kỳ Duyên mặc áo dài công bố giải thưởng. Ảnh: BTC
"Chưa tìm hiểu kĩ mà đã hô hào, gọi tên tùy tiện. Trấn Thành có thật sự hiểu về quốc phục hay không?", "Nhiều người dự sự kiện này mặc áo dài nhưng biến tấu quá đà, hở hang, có giống áo dài đâu?", "Không thiếu sự kiện các nghệ sĩ mặc áo dài, đâu phải cảm thán như vậy"... - khán giả bình luận.
Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt - cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng làm Đề án Quốc phục nhưng đều bỏ ngỏ.
Đến năm 2012, đề án này đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước để tìm kiếm bộ trang phục dành cho công chức, viên chức nhà nước mặc thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ngoại giao.
"Quốc phục phải là một biểu tượng văn hóa, cần có hành lang pháp lý quy định tiêu chí chọn lựa, quy chuẩn cũng như quy định sử dụng và cả quy định cấp nào được phê duyệt công nhận", họa sĩ chia sẻ.
Huyền Chi