Sở Xây dựng TP.HCM đang lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.
Trong đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được xây dựng, TP.HCM dự kiến sẽ lựa chọn các khu vực như Cần Giờ, Côn Đảo và trung tâm thành phố để triển khai thí điểm việc khoanh vùng kiểm soát khí thải. Những khu vực này được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi sang hệ thống giao thông sạch.
Một mục tiêu quan trọng trong đề án là đến năm 2028, TP.HCM sẽ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy đang được sử dụng bởi tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện. Đây là một phần của Đề án chuyển đổi xanh TP.HCM giai đoạn 2025-2030 do UBND TP chỉ đạo, giao Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp cùng Trường đại học VinUni và các đơn vị liên quan thực hiện.
Tại hội thảo “Hệ sinh thái chuyển đổi xe điện hai bánh” diễn ra hồi tháng 6, ông Trần Thanh Bình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết đề án tập trung vào hai vấn đề chính: Giao thông và năng lượng.
TP.HCM lên kế hoạch đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện vào năm 2028
Đáng chú ý, trong giao thông xanh, có rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện như: Chuyển đổi đội xe buýt điện, phát triển hạ tầng trạm sạc, xe điện đưa đón học sinh, phủ xanh giao thông vùng phát thải thấp bằng xe điện, chuyển đổi xe dịch vụ công nghệ sang xe điện.
“Với hơn 8 triệu xe máy xăng đang lưu hành, việc thay thế cần có lộ trình trọng tâm và hợp lý. Qua nghiên cứu, nhóm tài xế xe công nghệ và giao hàng có khoảng 400.000 người được xác định là nhóm ưu tiên chuyển đổi trong giai đoạn đầu. Mục tiêu đến năm 2028, toàn bộ xe hai bánh của tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM sẽ được chuyển sang xe điện”, ông Bình nói.
Việc này được kỳ vọng sẽ giúp giảm khoảng 315 tấn khí CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm - góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống cho người dân TP.
Nhóm nghiên cứu xây dựng đề án cũng đề xuất thành lập Quỹ tín dụng chuyển đổi xanh, sử dụng nguồn thu từ tín chỉ carbon (ước tính khoảng 87.500 tấn CO2/năm) để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh và hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm tài xế công nghệ trong quá trình chuyển đổi phương tiện.
Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) thông tin, về phía các nhà sản xuất xe điện, họ cần được hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất để mở rộng sản xuất.
Cũng theo ông Hải, với việc phát triển trạm sạc thì vấn đề mặt bằng mở rộng trạm sạc, phát triển mạng lưới trạm sạc được coi là ưu tiên quan trọng trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện của tài xế. Tuy nhiên, ông cho rằng không gian cho xe 2 bánh nhỏ có thể tận dụng vỉa hè rộng. TP.HCM có thể tận dụng vị trí đất công chưa khai thác tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc, cung cấp dịch vụ cho tài xế 2 bánh.
Về lộ trình thực hiện, ông Hải cho biết đơn vị đề xuất đến năm 2026 sẽ chuyển 30% xe máy sang xe điện, năm 2027 tăng 50%. Tổng cộng trong 2 năm, TP.HCM chuyển đổi 80% xe xăng sang xe điện, tương đương 320.000 xe. Sang năm 2028, mục tiêu 100% tài xế xe công nghệ và giao hàng sử dụng xe điện. Năm 2029 sẽ cấm hoàn toàn xe xăng cung cấp dịch vụ vận tải tại TP.HCM.
"Đề án là bước đi chiến lược nhằm điện hóa 400.000 xe máy dịch vụ tại TP.HCM, cắt giảm 315.000 tấn CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm", ông Hải cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh đại diện Vingroup (đơn vị quản lý nền tảng Xanh SM) kiến nghị TP cần có những thay đổi trong quy hoạch đô thị. Cụ thể, khi phê duyệt quy hoạch các khu dân cư mới cần xem xét bắt buộc có khu vực sạc xe điện. Bà Linh cũng đề xuất miễn giảm thuế đất cho các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh.
"TP cần lập quỹ chuyển đổi xanh nhằm tạo cơ chế hỗ trợ tài chính cho tài xế chuyển đổi xe điện. Quan trọng hơn cả là cần có các chương trình truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi xe xăng sang xe điện", bà Linh nói.
Hiện nay, TP.HCM đang quản lý hơn 9,6 triệu xe, bao gồm hơn 1 triệu ô tô, gần 8,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9% và xe máy tăng 2%, cho thấy xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã khảo sát hơn 400 tài xế Grab, Be, Gojek, kết quả thu được cho thấy chi phí xăng mỗi ngày đi làm của các tài xế này khoảng 70.000 - 100.000 đồng.
Trong khi đó, tài xế xe điện như Xanh SM chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền điện/ngày. Trừ chi phí sạc, hao mòn pin và thời gian chờ, mức tiết kiệm ròng vẫn đạt 40.000 - 60.000 đồng/ngày, tương đương hơn 1 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Tuyết