Đau khớp háng gây khó chịu và hạn chế vận động ở người bệnh. Vì đây là một trong những khớp lớn, chịu trọng lượng cơ thể và giúp chi dưới di chuyển linh hoạt. Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng đau khớp háng, cách điều trị và phòng tránh?
Đau khớp háng là gì?
Đau khớp háng là tình trạng đau hoặc khó chịu xảy ra ở những vị trí quanh khớp háng như gần hoặc quanh hông, sâu bên trong khớp háng và dưới lưng. Khớp háng là một trong những khớp lớn nối xương chậu với xương đùi.
Cơn đau có thể xuất hiện bất chợt khi vận động hoặc di chuyển rồi thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Ngoài ra, một số trường hợp còn cảm thấy đau nhức khớp háng vào những thời điểm khác nhau trong ngày như buổi sáng khi thức dậy hoặc về đêm.
Nguyên nhân đau khớp háng
Có nhiều nguyên nhân gây đau ở khớp háng. Tùy theo nguyên nhân mà cơn đau có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau như bên trong khớp háng hoặc vùng hông, mông…
1. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân đau khớp háng phổ biến, đặc biệt với người lớn tuổi. Khi tuổi tác càng cao, lớp sụn khớp càng dễ bị bào mòn do nhiều yếu tố khác nhau. Hậu quả dẫn tới đau cứng khớp háng, khiến người bệnh hạn chế vận động, nhất là những cử động liên quan tới khớp háng. (1)
2. Chấn thương
Bất cứ chấn thương nào ở khớp háng, dù nhẹ hay nặng, đều có thể làm khớp háng bị đau nhức. Những chấn thương bao gồm:
Chấn thương khi chơi thể thao, vận động quá sức, không khởi động trước khi tập…
Chấn thương do té ngã hoặc tai nạn.
Thoát vị bẹn.
Hội chứng dải chậu chày.
Trật khớp háng hoặc gãy xương.
3. Viêm khớp
Viêm khớp cũng là nguyên nhân khiến khớp háng bị đau. Cơn đau bắt đầu ở khu vực bị viêm rồi lan sang đùi, khớp gối và sau mông. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói mỗi khi thực hiện các động tác ở khớp háng như xoay người, ngồi xổm, gập người… Đặc biệt, khi bệnh diễn tiến nặng, tình trạng đau buốt khớp háng có thể xuất hiện dày đặc vào buổi sáng khi thức dậy và chiều tối, làm hạn chế khả năng di chuyển và vận động của người bệnh. (2)
4. Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn khớp cũng là lý do làm khớp háng bị đau. Dấu hiệu nhận biết thể hiện qua cơn đau dữ dội ở khớp háng, nhất khi khi cử động chân. Đi kèm theo đó là tình trạng sốt, quanh hông nóng đỏ và sưng tấy. Đau khớp háng do nhiễm trùng thường xảy ra với người mắc chứng đái tháo đường hoặc vừa phẫu thuật thay khớp
5. Viêm bao hoạt dịch khớp
Bao hoạt dịch là các túi nhỏ (bursa) chứa chất dịch đệm làm nhiệm vụ bôi trơn các vùng dây chằng và xương ở khớp. Bao hoạt dịch bị viêm làm tăng tiết dịch nhầy, dẫn tới khớp háng đau và sưng to. Cơn đau sẽ gia tăng khi người bệnh di chuyển và giảm dần khi nghỉ ngơi.
6. Viêm dây chằng khớp háng
Bệnh đau khớp háng cũng có thể xảy ra do viêm dây chằng khớp háng. Nguyên nhân xuất phát từ các hoạt động lặp đi lặp lại khiến dây chằng ở khớp háng bị căng quá mức. Hậu quả dẫn tới khớp háng bị đau và khó vận động bình thường.
7. Các bệnh lý khác liên quan
Ngoài những nguyên nhân kể trên, hiện tượng đau khớp ở háng còn xảy ra do:
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Đau cơ xơ hóa
Khớp háng bị dị tật bẩm sinh
Thừa cân, béo phì, ít vận động
Mang thai
Lạm dụng rượu bia, thuốc lá
Triệu chứng đau khớp háng
Ở giai đoạn đầu, khớp háng sẽ xuất hiện cơn đau nhưng chưa rõ rệt và có thể biến mất sau vài ngày. Khi bệnh diễn tiến thêm, người bị đau khớp háng sẽ nhận thấy những dấu hiệu:
Đi lại khó khăn, dáng đi khập khiễng, khớp háng phát ra âm thanh lạo xạo khi di chuyển.
Cơn đau xuất hiện ở vùng bẹn, rồi lan xuống đùi, đôi khi ở khớp gối, sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi.
Phạm vi hoạt động khớp háng suy giảm, cảm thấy đau cả khi thực hiện những động tác đơn giản như ngồi xổm, cúi người, đứng lên ngồi xuống…
Đau nhói khi xoay người, gập người hay dạng háng, khi nghỉ ngơi thì cơn đau thuyên giảm.
Trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn, cơn đau nhức khớp háng sẽ xuất hiện dày đặc vào buổi sáng khi thức dậy hoặc chiều tối. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói khi đột ngột thay đổi tư thế hay đi lại nhiều.
Đối tượng dễ bị đau khớp háng
Khớp háng bị đau khiến người bệnh gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện những động tác đơn giản.
Đau khớp háng có thể xảy ra với bất cứ ai. Đặc biệt, những đối tượng dưới đây càng có nguy cơ cao bị đau khớp háng. (3)
1. Người cao tuổi
Đối với người cao tuổi, xương khớp bắt đầu bước vào giai đoạn thoái hóa. Điều này dễ gây đau khớp háng, hạn chế khả năng vận động.
2. Người thừa cân, béo phì
Không chỉ điều khiển khả năng vận động của chi dưới, khớp háng còn đảm nhận nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Cơ thể càng nặng, áp lực dồn xuống khớp háng cũng tăng cao. Do đó, những người bị thừa cân, béo phì sẽ dễ mắc phải tình trạng này hơn so với người có vóc dáng cân đối.
3. Vận động viên hoặc người lao động nặng
Đau khớp háng có thể xảy ra ở các vận động viên hoặc người làm công việc nặng nhọc. Nguyên nhân vì những công việc này có thể tăng nguy cơ chấn thương hoặc gây áp lực lên vùng hông, dây chằng. Từ đó khiến khớp háng dễ bị đau nhức.
4. Phụ nữ mang thai và sau sinh
Sự phát triển của thai nhi cũng như quá trình sinh nở sẽ gây áp lực lớn lên khớp háng của thai phụ. Do đó, phụ nữ mang thai thường dễ gặp tình trạng đau khớp háng, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ.
5. Người ít vận động
Thói quen lười vận động khiến khớp háng trở nên yếu dần. Từ đó tăng nguy cơ chấn thương, dẫn tới đau nhức khớp háng.'
6. Người mắc bệnh lý về khớp háng
Người mắc các bệnh lý về khớp háng như viêm khớp háng, thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp, thoát vị bẹn… càng có nguy cơ cao bị đau nhức khớp háng.
Phương pháp chẩn đoán đau nhức khớp háng
1. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định sơ bộ tình trạng đau khớp háng của người bệnh. Qua đó định hướng thực hiện các xét nghiệm và chụp chiếu phù hợp, hỗ trợ tốt nhất trong xác định nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ khai thác những thông tin cần thiết gồm:
Hỏi về triệu chứng, các bệnh lý từng gặp, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt…
Đánh giá sơ bộ về mức độ đau bằng cách cho người bệnh thực hiện các động tác gập duỗi, xoay người, bắt chéo chân, ngồi xổm…
Đo chiều dài xương đùi, vòng đùi và chiều dài chi để đánh giá tình trạng sưng đau, biến đổi khớp.
Cho người bệnh thực hiện một số bài kiểm tra đặc biệt để đánh giá về cấu trúc và chức năng của khớp háng.
2. Chẩn đoán qua hình ảnh
Chẩn đoán qua hình ảnh cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng quan về tình trạng tổn thương của khớp háng. Qua đó xác định chính xác nhất nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị tương ứng. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI…
3. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cho biết tình trạng đau khớp háng có liên quan đến nhiễm trùng hay không. Dựa theo đó, có thể lên phương án điều trị nhiễm trùng kết hợp. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp xác định những nguyên nhân gây bệnh khác như thiếu canxi, viêm khớp…
Giải pháp điều trị đau buốt khớp háng
1. Phương pháp không phẫu thuật
1.1. Sử dụng thuốc giảm đau
Để cải thiện cơn đau khớp, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin, naproxen… Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ hoặc sử dụng quá liều lượng được chỉ định.
1.2. Vật lý trị liệu
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ xây dựng những bài tập vật lý trị liệu tương ứng, kết hợp thiết bị hiện đại như máy laser công suất cao, điều trị bằng sóng radio, điều trị siêu âm… Qua đó tăng cường sức khỏe của vùng khớp tổn thương, giảm đau nhức khớp háng do viêm hay tổn thương khác.
1.3. Thay đổi lối sống
Duy trì lối sống lành mạnh là phương pháp hỗ trợ điều trị đau khớp háng. Kiểm soát cân nặng hợp lý, đặc biệt với người thừa cân hoặc béo phì, sẽ giúp giảm áp lực lên khớp và hạn chế tổn thương nặng hơn.
Đồng thời, cần cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi. Hạn chế các bài tập nặng hoặc leo cầu thang. Thay vào đó, nên nghỉ ngơi để khớp có thời gian phục hồi. Nếu muốn tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng là hoạt động phù hợp với người bị đau khớp háng bởi nó giúp tăng cường sự linh hoạt của khớp.
Tuy nhiên, chỉ nên đi bộ trong khoảng 10-15 phút, tránh đi đường dài và phải nghỉ ngơi nếu cơn đau xuất hiện. Trường hợp cơn đau không giảm hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương án điều trị thích hợp.
2. Phẫu thuật khớp háng
2.1. Nội soi khớp
Nội soi khớp háng là phương pháp phẫu thuật đau khớp háng xâm lấn ở mức tối thiểu. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ trên da rồi đặt máy nội soi khớp gắn camera kết nối với màn hình. Điều này giúp bác sĩ có thể quan sát tình trạng tổn thương rõ ràng và thao tác chính xác nhất. Phương pháp này có ưu điểm nổi bật là hạn chế tối đa biến chứng hậu phẫu như cứng khớp hoặc đau tại vết mổ.
2.2. Thay khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp thay khớp háng tổn thương bằng khớp nhân tạo. Bác sĩ thường chỉ định cho những trường hợp khớp háng bị tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt. Đây là kỹ thuật phức tạp, yêu cầu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại, nên chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn và uy tín.
Bài tập giảm đau nhức khớp háng
1. Bài tập nâng gối
Bài tập nâng gối giảm đau nhức khớp háng.
Cách thực hiện:(4)
Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai.
Chân phải giữ thẳng, dùng hai tay kéo đầu gối chân trái sát vào người nhất có thể.
Giữ nguyên trong vòng 5 giây rồi từ từ hạ chân trái xuống và làm tương tự với bên còn lại.
Thực hiện bài tập 5-10 lần mỗi chân.
2. Bài tập xoay ngoài khi ngồi
Bài tập xoay ngoài khi ngồi hỗ trợ làm giảm đau ở khớp háng.
Cách thực hiện:
Ngồi trên sàn và duỗi hai chân ra phía trước.
Từ từ co đầu gối lại sao cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau.
Đặt tay lên đầu gối và ấn nhẹ xuống sàn đến khi cảm thấy căng cơ thì giữ trong vòng 10 giây rồi thả lỏng.
3. Bài tập mở rộng hông
Cách thực hiện:
Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai.
Hai tay mở rộng ra phía trước và bám vào ghế, tường hoặc tủ.
Chân phải giữ thẳng, từ từ nâng chân trái về phía sau nhưng không cong đầu gối.
Nâng chân trái lên cao nhất có thể và giữ khoảng 5 giây rồi từ từ hạ xuống và đổi chân.
Thực hiện bài tập giảm đau khớp háng này 5-10 lần mỗi chân.
Lưu ý: Những bài tập trên đây chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trước khi tập, nên khởi động khoảng 5-10 phút và tập theo cường độ từ nhẹ đến nặng. Ngưng tập ngay khi cảm thấy đau ở khớp háng hoặc các khu vực khác.
Một số lưu ý sau điều trị bệnh đau khớp háng
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học sau điều trị đau khớp góp phần kiểm soát viêm sưng và thúc đẩy quá trình tái tạo khớp. Từ đó giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng dẫn tới biến chứng.
Thực phẩm giàu canxi, omega-3, vitamin D, vitamin C… là những thực phẩm tốt cho người đau khớp háng. Bên cạnh đó, tránh tiêu thụ thực phẩm cay nóng và sử dụng rượu bia, chất kích thích. Người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn về thực đơn dinh dưỡng phù hợp với mức độ tổn thương và tình trạng thể chất.
2. Luyện tập thể dục thường xuyên
Luyện tập thể dục cũng hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi khớp háng. Tuy nhiên, chỉ nên tập những bài tập nhẹ và vừa sức theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Nghỉ ngơi đúng cách
Bên cạnh tập thể thao, người bệnh cũng nên chú ý nghỉ ngơi để khớp có thời gian hồi phục. Hạn chế vận động mạnh hoặc thực hiện những hoạt động như khuân vác đồ, đi cầu thang, lái xe… vì sẽ tạo áp lực lên khớp, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục.
Phòng ngừa bị đau nhức khớp háng
1. Duy trì cân nặng ổn định
Duy trì cân nặng ổn định góp phần giảm áp lực lên khớp háng. Nhờ đó có thể tránh nguy cơ tổn thương khớp, dẫn tới đau khớp háng. Đồng thời, cân nặng hợp lý còn tăng cường sự linh hoạt của khớp, hỗ trợ tốt cho khả năng vận động.
Để duy trì cân nặng, nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tiêu thụ thực phẩm giàu canxi, vitamin, protein và khoáng chất. Đồng thời, hạn chế sử dụng đồ ăn chứa nhiều đường và chất béo, thức uống có ga, lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
2. Tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp
Nên lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội… Trước khi tập luyện, cần khởi động kỹ để tránh tình trạng tổn thương xương khớp, bao gồm khớp háng. Đồng thời, chú ý tập vừa sức và nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, hạn chế thức khuya và giữ tinh thần thoải mái cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ đau khớp háng.
3. Kiểm soát các bệnh lý nền
Khớp háng đau nhức có thể do các bệnh lý xương khớp, đặc biệt bệnh liên quan đến khớp háng như viêm khớp, thoái hóa khớp háng, viêm bao hoạt dịch… Do đó, nếu mắc những bệnh lý này, người bệnh nên thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Điều này giúp kiểm soát tốt triệu chứng, giảm tối đa nguy cơ bệnh tiến triển nặng và gây đau nhức khớp háng dữ dội.
4. Sử dụng trang thiết bị hỗ trợ khi cần
Nếu gặp khó khăn trong việc đi lại, nhất là người cao tuổi, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như gậy, nạng chống, khung tập đi… Điều này giúp giảm nguy cơ té ngã khi di chuyển gây tổn thương xương khớp.
Câu hỏi thường gặp
1. Đau khớp háng khi mang thai có sao không?
Đau khớp háng là một trong những cơn đau thường gặp khi mang thai. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 cho biết khoảng 32% phụ nữ mang thai gặp hiện tượng đau khớp háng vào một giai đoạn nào đó của thai kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do sự giải phóng hormone Relaxin, sự chuyển động của thai nhi, tăng cân và thay đổi tư thế. (5)
Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra trong lúc mang thai nên không cần quá lo lắng. Để giảm đau, phụ nữ mang thai cần hạn chế đứng lâu, mang vật nặng, tắm nước ấm, đeo đai đỡ bụng… Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên dai dẳng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
2. Cơn đau có tự khỏi không?
Khớp háng đau do chấn thương khi vận động có thể thuyên giảm nếu nghỉ ngơi và điều chỉnh chế độ tập luyện khoa học. Tuy nhiên, cần khám và điều trị với bác sĩ chuyên môn trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng hoặc nguyên nhân đau do các bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp…
3. Bị đau khớp háng khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu đau khớp háng sau:
Cơn đau khớp xuất hiện đột ngột hoặc dai dẳng.
Khớp phát ra âm thanh lạo xạo khi di chuyển.
Khớp bị biến dạng, sưng tấy hoặc chảy máu.
Khó khăn khi thực hiện các chuyển động ở khớp háng như cúi người, xoay người, ngồi xổm…
Khớp háng đau đột ngột vào ban đêm, buổi sáng khi thức dậy hoặc lúc nghỉ ngơi.
4. Có thể sử dụng biện pháp dân gian để điều trị đau khớp háng không?
Hiện nay, nhiều người vẫn tin tưởng và sử dụng những bài thuốc dân gian như lá ngải cứu, lá lốt hay rễ cây ruột gà để chữa đau khớp háng. Dù có thể mang lại hiệu quả giảm đau nhất định, nhưng cách làm này không thể thay thế hoàn toàn các liệu pháp y học hiện đại.
Đồng thời, khớp háng bị đau có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì vậy, cần thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán để xác định đúng nguồn cơn gây bệnh, từ đó xây dựng phương án điều trị tối ưu. Để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, người bệnh không nên tự ý áp dụng các liệu pháp dân gian mà chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn.
Đau khớp háng là một trong những vấn đề xương khớp phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị sớm, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường.
BV Tâm Anh