Trong giới thư pháp, ông đồ Phan Thanh Sơn nổi lên như một biểu tượng của bút lực thanh thoát và tài hoa. Không chỉ là một người viết thư pháp, ông còn là một tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách; sự cống hiến cho cộng đồng.
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn
Đường đến với những nét thư pháp
Ông Phan Thanh Sơn đã phục vụ trong quân đội tại trường sỹ quan kỹ thuật. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu tìm đến thư pháp như một thú vui để lấp đầy khoảng trống. Ban đầu, thư pháp đến với ông như một cái duyên hơn là một cái nghề. Và chính môn nghệ thuật này đã giúp cho ông hạnh phúc hơn trong cuộc sống và mang lại niềm vui ý nghĩa.
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn có thời gian dài phục vụ trong quân đội
Trong hơn 30 năm gắn bó với thư pháp, ông đồ Sơn đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm thông qua bút lực mạnh mẽ mà thanh thoát, đầy cảm xúc. Dù không xem thư pháp là nguồn thu nhập, nhưng ông luôn đặt tâm huyết vào từng nét bút thư pháp với mục đích lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức và nhân văn.
Ông Sơn từng chia sẻ: “Ngoài kiến thức thông thiên văn, rành địa lý, ông đồ còn phải nặng về đạo đức chân tâm. Nếu một người nào đó đến xin chữ Phúc mà bản thân anh thiếu đức thì làm sao có phúc? Không có phúc thì chữ Phúc anh cho không còn linh hiển nữa.” Ông quan niệm rằng, thư pháp nét chữ là nét đẹp và thể hiện tâm hồn của người viết trong đó. “Chữ có đẹp, nét có hồn là nhờ vào tâm người viết. Hãy cho chữ những ai cần chữ bởi chữ còn có linh hồn,” ông nói.
Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, ông đồ Sơn lại xuất hiện tại các ngôi chùa để viết thư pháp tặng bà con. Đặc biệt, ông từng ngồi tại chùa Tây Tạng (Bình Dương) suốt 4 ngày liền, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, để viết hơn 700 bức liễn thư pháp. Đây không chỉ là hành động mang tính nghệ thuật mà còn thể hiện tinh thần cống hiến và lòng nhân ái của ông.
Năm nay cũng là lần đầu tiên ông đồ Sơn mở quầy thư pháp tại Phố ông Đồ, nơi ông cùng các thành viên câu lạc bộ thư pháp chung tay gìn giữ và phát triển bộ môn này.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, năm 2022, ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam. Ngày 26/8/2023, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục với tác phẩm “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ và 133 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất Việt Nam. Đây là minh chứng cho tài năng và sự tận tụy của ông với nghệ thuật thư pháp.
Triết lý sống
Với ông đồ Phan Thanh Sơn, thư pháp không phải là nợ mà là duyên. Ông từng chia sẻ: “Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và có điều gì để hy vọng.” Thư pháp đã trở thành cầu nối giữa ông với cuộc sống, giúp ông tìm thấy sự bình yên và niềm vui mỗi ngày.
Ông luôn tâm niệm: “Người trồng cây hạnh người chơi – Ta trồng cây đức để đời mai sau.” Đây không chỉ là câu thư pháp ông viết mà còn là kim chỉ nam cho mọi hành động của ông. Với ông, mỗi nét chữ là một lời gửi gắm, một giá trị đạo đức và một phần linh hồn. Những tác phẩm của ông không chỉ đẹp về hình thức mà còn sâu sắc về ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ Nhân Phan Thanh Sơn tại sự kiện Kết nối doanh nghiệp
Là một biểu tượng của nghệ thuật thư pháp Việt Nam, Nghệ nhân Phan Thanh Sơn không chỉ viết nên những nét chữ mạnh mẽ, tài hoa, mà còn truyền tải những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Tại sự kiện Kết nối Giao thương 2025 chào xuân Giáp Thìn do cộng đồng SNG Group tổ chức, hy vọng ông sẽ dành hết tấm huyết vào từng nét bút để mang đến những bức thư pháp đặc biệt ặng cho các doanh nghiệp và khách mời tham dự.
Trong không gian trang trọng của Trung tâm Hội nghị Diamond Place, Nghệ nhân Phan Thanh Sơn sẽ viết tặng những nét chữ, câu đối cho doanh nghiệp và khách mời tham dự. Những tác phẩm thư pháp này không chỉ mang đến giá trị nghệ thuật mà còn truyền tải những lời chúc tốt lành, mong muốn doanh nghiệp có những bứt phá trong năm mới.
Nghệ Nhân (Theo SNG Group)