Gần 32% lao động TP HCM tìm việc lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng

Gần 32% lao động TP HCM tìm việc lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng

    Lao động thành phố tìm việc có lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng chiếm 31,76% nhưng chưa đến 10% vị trí tuyển dụng ở doanh nghiệp trả mức này, theo báo cáo của UBND TP HCM.

     

    Đó là một phần trong báo cáo của UBND TP HCM với Đoàn đại biểu quốc hội thành phố giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn giai đoạn 2021-2024, chiều 14/3.

     

    Từ năm 2021 đến 2024, bình quân mỗi năm, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) khảo sát thông tin hơn 144.000 ứng viên tìm kiếm việc làm. Theo đó, khi xét đến tiêu chí tiền lương khi tìm việc, có 31,76% lao động muốn lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng - mức lương có đông người tìm việc mong muốn đạt được nhất. Tiếp theo, mức lương được nhiều lao động lựa chọn là 5-10 triệu đồng mỗi tháng chiếm 25,83%, chỉ 3,64% chấp nhận lương dưới 5 triệu đồng mỗi tháng.

     

    Ngược lại, khi khảo sát hơn 285.000 vị trí cần tuyển người ở doanh nghiệp, chỉ 9,77% vị trí có lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng, đây cũng là vị trí có nhu cầu tuyển ít nhất trên thị trường. Mức lương 5-10 triệu đồng chiếm đến 44,47% tổng nhu cầu tuyển dụng và có đến 11,37% công việc chỉ trả lương dưới 5 triệu đồng mỗi tháng.

     

    GS Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu quốc hội thành phố) cho biết lao động có mong muốn tiền lương cao, thu nhập đủ sống là hoàn toàn chính đáng khi đặt trong bối cảnh của TP HCM và nhà nước, doanh nghiệp cần phải quan tâm.

     

    Theo ông Nhân, nhiều năm qua tỷ suất sinh của TP HCM thấp nhất cả nước, lao động tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế mà phụ thuộc vào lao động nhập cư. Tuy nhiên, đang có xu hướng người di cư không chọn thành phố là điểm đến như trước do chi phí đắt đỏ, tiền lương không kham nổi.

     

    GS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát, chiều 14/3. Ảnh: An Phương

     

    "Từ những cơ sở này, thành phố cần có những chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, ngành nghề mang đến giá trị gia tăng cao, chi trả tiền lương hợp lý cho lao động", ông Nhân nói. Về lâu dài để giải quyết bài toán nhân lực, TP HCM cần cùng lúc thực hiện nhiều vấn đề bao gồm tăng tỷ suất sinh, chăm sóc cho người nhập cư và giữ chân sinh viên đến thành phố học.

     

    TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng cần nhìn nhận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn đang tập trung nhiều vào lao động sản xuất, có tay nghề do đó mức lương đưa ra phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của doanh nghiệp và trình độ tương ứng.

     

    "Doanh nghiệp cần chuyên gia không nhiều, cái họ cần rất nhiều là lao động trực tiếp sản xuất", ông Kha nói.

     

    Theo báo cáo của UBND TP HCM, lao động tìm kiếm việc làm chiếm số lượng lớn ở khối ngành dịch vụ - thương mại như kinh doanh thương mại, hành chính - văn phòng - biên dịch, kế toán - kiểm toán, quản lý điều hành...

     

    Ở phía doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đứng đầu nhu cầu tuyển dụng, tiếp đến các ngành buôn bán, sửa chữa ô tô, cơ khí, khoa học công nghệ...

     

    Về trình độ, nhóm đi tìm việc và nhu cầu tuyển dụng doanh nghiệp đang có sự chênh lệch. Cụ thể gần 68% lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên, cao đẳng gần 15%, còn lại trung cấp, sơ cấp, lao động phổ thông chiếm khoảng 17%

     

    Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng ở phía doanh nghiệp, chỉ 21% vị trí việc làm cần trình độ đại học trở lên, tỷ lệ này ở trình độ cao đẳng là trên 20%; trung cấp, sơ cấp, lao động phổ thông chiếm gần 59%.

     

    Người lao động làm việc tại một quán cà phê ở trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

     

    Người lao động làm việc tại một quán cà phê ở trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

     

    TS Kha cho rằng cần đánh giá sát nhu cầu của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực. Ví dụ, không chỉ ở đại học mà ngay ở hệ cao đẳng, những ngành thành phố đang muốn đầu tư cần hỗ trợ học phí cho người học, bất kể đến từ địa phương nào để thu hút sinh viên theo học, tạo nguồn nhân lực cho thành phố.

     

    Năm 2024, lực lượng lao động tại thành phố là gần 4,9 triệu người, chiếm 51,2% tổng dân số. Lao động làm việc tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ với gần 66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm trên 33%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,22%. Tiền lương bình quân mỗi tháng doanh nghiệp chi trả cho lao động (khảo sát 1.750 doanh nghiệp sử dụng 310.444 lao động) là 12,4 triệu đồng.

     

    Lê Tuyết

     

    ĐỪNG BỎ LỠ

    Có thể bạn quan tâm

    Không bắt buộc làm lại sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh thành

    17/04/2025 10:00 AM
    Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.

    Chờ 3 tiếng mua vàng ngày giá lập đỉnh 118 triệu đồng

    17/04/2025 09:45 AM
    Nhiều tiệm kim hoàn lớn hôm nay đông nghịt khách đến xếp hàng giao dịch, có người chờ 3 tiếng mới mua được vàng khi giá lập đỉnh 118 triệu đồng mỗi lượng.

    Giá vàng vượt 115 triệu một lượng

    16/04/2025 03:27 PM
    Giá vàng trong nước tiếp tục tăng 7,5-8 triệu đồng trong ngày, lên 115,5 triệu đồng mỗi lượng vào chiều 16/4.

    Gia đình liệt sĩ Trường Sa nhận mộ phần sau 50 năm

    14/04/2025 11:45 AM
    Liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) 50 năm trước được gia đình tìm thấy mộ phần ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa.

    Giá vàng chinh phục mức đỉnh mới: 107,5 triệu đồng/lượng

    14/04/2025 11:33 AM
    Giá vàng sáng nay trên thế giới tăng thẳng đứng, kéo giá vàng SJC trong nước vọt lên 107, 5 triệu đồng/lượng.