Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 15.600 tỷ đồng.
Báo cáo từ Tổng cục Thuế cho biết, tổng số thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 767.415 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán và tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Ành minh họa
Theo đó, có 13/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 50%); trong đó một số khoản thu lớn như khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 50,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 52,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 57,1%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 55%; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 59,3%; thu khác ngân sách ước đạt 54,6%; thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 175%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 61,5%;...
Về tổng thu có 23/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 50%); còn 40/63 địa phương có tiến độ thu dưới 50%; có 52/63 địa phương có tăng trưởng thu, còn 11/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 5 tháng đầu năm 2024 là khoảng 31.840 tỷ đồng.
Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định 44/2023 và Nghị định 94/2023 ước khoảng 13.600 tỷ đồng; Giảm mức thuế BVMT theo Nghị quyết của Quốc hội ước khoảng 16.454 tỷ đồng; Giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg làm giảm thu khoảng 1.762 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thuế, trong 5 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thực hiện được 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 17,12% kế hoạch và bằng 77,45% so với cùng kỳ; kiểm tra được 231.276 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 144,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 11.608,64 tỷ đồng bằng 56,95% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.072,93 tỷ đồng, bằng 59,14% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Trong khi đó, thu nợ thuế trong tháng 5/2024 ước đạt 5.033 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 5/2024 ước thu được 37.101 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 34.550 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.551 tỷ đồng. Toàn quốc có 930.452 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 7.857 doanh nghiệp (0,85%) so với thời điểm ngày 31/12/2023.
Tính đến cuối tháng 5/2024, cơ quan thuế đã ban hành 7.326 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 51.642 tỷ đồng, bằng 30,2% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2023.
Về triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đến hết ngày 17/5, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 47,9% so với cuối năm 2023, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 415,3 triệu hóa đơn.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 2 đơn vị so với tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Tính đến ngày 15/5, họ đã nộp hơn 4.000 tỷ đồng. Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 15.600 tỷ đồng.
Cơ quan thuế cho biết, thời gian tới sẽ rà soát các nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký, khai, nộp thuế trên cổng thông tin. Nhà chức trách cũng nâng cấp hệ thống, tạo thuận lợi cho khai, nộp thuế. Giải pháp nữa là cơ quan thuế cùng các bộ, ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu để tránh thất thu, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Đến nay, ngành tài chính ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu từ 361 sàn.
Năm 2023, doanh thu thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó. Riêng 5 tháng đầu năm, khoản thuế thu của lĩnh vực này là hơn 50.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó, sẽ rà soát, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện;
Cùng với đó, trên cơ sở phân tích dữ liệu của nhà cung cấp nước ngoài, sẽ áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ đối với các tổ chức này.
Phương Anh (T/h)
Theo DNHN copy link